CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN XXI MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 24,42-51
Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1 Tx 3,7-13
Anh em thân mến, vì Đức tin anh em chúng tôi được an ủi nơi anh em trong mọi nỗi quẫn bách và gian truân, hiện giờ chúng tôi cảm thấy được sống, vì thấy anh em đứng vững trong Chúa.
Chúng tôi “được sống”, hiện giờ, vì Đức tin anh em đứng vững trong Đức tin.
Trọn cuộc sống vị Tông đồ, hơi thở của Người, đến bởi các tín hữu Người.
“Anh em đứng vững trong Chúa”. Đức tin giống như một cuộc chiến, phải cắn răng và đứng vững! Chính Phaolô thú nhận bối cảnh đời Tông đồ của Người: “Người sống giữa những khó khăn và khốn cực”. Sức mạnh, kiên trì, bất kể mọi ngăn trở mà những người có Đức tin cảm thấy, không do họ mà đến, đây là sức mạnh “trong Chúa”. Nó có thể vững tồn tại với một tâm tình sâu thẳm về sự yếu đuối cá nhân (Rm 1,17.14-35).
Vậy chúng tôi phải cảm tạ ơn Chúa thế nào thay cho anh em, vì nỗi vui mừng chúng tôi được hưởng trước mặt Thiên Chúa chúng ta nhờ anh em. Đêm ngày chúng tôi gia tăng lời cầu nguyện.
Các thử thách của Phaolô không làm cho người thành sầu muộn thảm khốc. Người nói rằng Người dùng thời giờ, ngày và đêm, để tạ ơn, trong niềm hân hoan và trong kinh nguyện, còn tôi? Tôi có biết biến đổi những âu lo của tôi một cách tích cực không?
Giờ đây, Thánh Phaolô sắp tỏ cho chúng ta biết những điểm rõ rệt trong kinh nguyện của Người.
1. Đức tin:
Để được gặp anh em lại và bổ túc những gì thiếu sót trong Đức tin của anh em. Xin chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, và Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta dẫn đàng đưa chúng tôi về với anh em.
Đối tượng đầu tiên Người cầu nguyện là sự củng cố Đức tin của cộng đoàn này. Sau một cuộc truyền bá Tin Mừng quá vắn vỏi (trong vài tuần) làm sao còn ngạc nhiên được về Đức tin mỏng dòn và đầy thiếu sót của dân Thêxalonica vì cuộc bắt bớ, Phaolô buộc phải ra đi sớm hơn ý muốn.
Người ta hẳn ngạc nhiên về lời thú nhận vì “Đức tin bất toàn này” sau những lời tán tụng Người vừa trao tặng rõ ràng vì Đức tin của họ. Nhưng có hai khía cạnh của Đức tin: Trước hết là một sự gắn bó toàn diện với Đức Kitô … Tiếp đến là một đời sống theo Chúa Kitô, đòi một sự phát triển về giáo lý …
Tôi có biết “bổ túc điều còn thiếu trong Đức tin của tôi không?” Tôi có cầu nguyện để Đức tin của tôi được tiến triển không? Và Đức tin của những người tôi yêu không?
2. Đức ái:
Xin Chúa ban cho anh em được gia tăng và dồi dào lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người, như chính chúng tôi yêu thương anh em.
Yêu thương: “trước hết giữa anh em” nhưng cũng phải rộng rãi đối với “mọi người”. Đó là một trong những đặc tính tinh ròng nhất của Tin Mừng.
3. Đức cậy:
Để làm cho lòng anh em thêm vững vàng trong sự thánh thiện, không còn điều gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong Người Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến làm một cùng tất cả các Thánh của Người.
Sự trông cậy và niềm trông đợi làm cho đời sống có ý nghĩa.
Bài đọc II: 1 Cr 1,1-9
Bức thư này là đề giải đáp những vấn nạn mà các tín hữu Côrintô đưa ra, họ thật là những kẻ sống chìm ngập trong một thế giới ngoại giáo kỳ lạ, một thế giới đồi phong bại tục và bị ảnh hưởng bởi nhiều trào lưu ý thức hệ khác nhau.
Người ta ước lượng thành này có chừng nửa triệu dân mà hai phần ba là người nô lệ. Chúng ta sẽ thấy việc tuyển mộ các Kitô hữu trước tiên giữa các người nghèo hèn này.
Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông đồ của Đức Giêsu Kitô, và ông Xốt-tê-nê là người anh em của chúng tôi, xin gửi lời thăm anh em ở Côrintô, Hội Thánh của Thiên Chúa.
Để nhập cuộc, Phaolô xác định với danh hiệu nào mà ông ngỏ lời với những người đối thoại với mình. Không phải nhân danh riêng ông. Cũng không phải với tước hiệu đơn giản là “đại diện”, kẻ được cộng đồng giao trách nhiệm lãnh đạo – Apostolos = Tông đồ = người được Đức Giêsu Kitô “sai đi”.
Klètos = người “được gọi” bởi tôn ý Thiên Chúa.
Phaolô ý thức mạnh mẽ rằng uy quyền công nhận lãnh, không phải do loài người lựa chọn mà do ý muốn tự do của Thiên Chúa.
Phải chăng, đối với các thừa tác viên trong Hội Thánh, tôi có một cái nhìn thuần túy nhân loại? Hay qua những đức tính ấy các khuyết điểm của họ, tôi biết nhận ra một mầu nhiệm thiêng liêng?
Anh em là những người đã được khiến Thánh trong Đức Giêsu Kitô, nghĩa là được Thiên Chúa kêu gọi làm nên dân thánh cùng với tất cả những ai, ở bất cứ nơi nào, kêu cầu danh Đức Giêsu Kitô, Chúa của họ và Chúa của chúng ta.
Mỗi khi đề cập đến các tín hữu hay các thừa tác viên, chúng ta thấy hoàn toàn là mầu nhiệm. Các người nô lệ nghèo khổ này, khi họp nhau mỗi ngày Chúa nhật, thực sự họ đã dự phần vào “cộng đoàn” (ekklésia = Hội Thánh = cộng đoàn) được Thiên Chúa triệu tập và kêu gọi. Đó là các người thánh.
Trong lời cầu nguyện của tôi, tôi cố gắng ý thức đến phẩm giá của tôi.
Khi đọc tiếp bức thư này, chúng ta sẽ thấy hạng người này không phải là các “người thánh”, người trọn lành theo nghĩa hẹp trong danh từ ngày nay. Trong cộng đoàn Côrintô, đã có nhiều lạm dụng cần sửa chữa.
Sự thánh thiện của ta là chính sự thánh thiện của Thiên Chúa trong ta.
Lạy Chúa, xin tạ ơn Người.
Phaolô nhắc lại cho các người Côrintô biết rằng họ không phải là một cộng đoàn lẻ loi đơn độc. Không một đoàn Kitô hữu nào có thể cho mình sống tự lập, trong cái vòng khép kín. Một nhóm tín hữu nhỏ bé nhất cũng được liên kết với “tất cả những ai, ở bất cứ nơi nào, kêu cầu Chúa Giêsu”. Lạy Chúa, con cầu xin Người, cho tất cả những ai bị lôi cuốn đóng kín trong phe phái của mình mà từ chối liên kết với Hội Thánh hoàn vũ.
Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa trong mọi lúc.
Tôi có thường dâng lời cảm tạ không? Cảm tạ vì …
Vì ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Giêsu Kitô. Trong Người, anh em đã trở nên phong phú, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.
Chỉ một mình Đức Kitô mới làm cho ta biết Thiên Chúa thật.
Anh em mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng.
Chúng ta gặp lại mong đợi cánh chung, ngày mà Đức Giêsu sẽ tỏ mình ra một cách hoàn toàn. Từ đây đến ngày đó, phải đứng vững! Đối với các thính giả của Phaolô, mà ông cứ nói đi nói lại về nhân đức can đảm, xem ra họ cũng khó chịu.
Vì Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người.
Sống hiệp thông với Đức Giêsu.
Sống cùng một cuộc sống với Đức Kitô.
Sự sống Đức Giêsu tuần hoàn trong tôi. Lạy Chúa, ước gì con được trung thành với cuộc sống ấy.
BÀI TIN MỪNG: Mt 24,42-51
Cho đến cuối tuần này, chúng ta sẽ kết thúc việc “đọc liên tục” Thánh Mát-thêu.
Ba đoạn Tin Mừng được trình bày cho ta từ nay cho đến thứ bảy, đều thuộc Mát-thêu, nằm trong diễn từ quan trọng của Đức Giêsu về thời cánh chung.
Anh em phải canh thức…
Có dịp nên đọc bài giảng số 22 nổi tiếng của Newman về thái độ “canh thức”. Đây là vài dòng trích dẫn:
“Đức Giêsu thấy trước tình trạng thế giới đúng như ngày nay chúng ta đang thấy, khi Người vắng mặt lâu khiến người ta tưởng rằng Người sẽ không bao giờ trở lại … Thế mà, Người vẫn âu yếm thì thầm bên tai ta: Đừng quá tin vào điều ta đang thấy, đừng có dự phần vào thái độ cứng lòng tin của đám đông … nhưng hãy coi chừng và “canh thức”.
Chúng ta không những buộc phải “tin”, mà còn phải “canh thức”, không những “yêu thương”, mà còn phải “canh thức”, không những “tuân phục”, mà còn “canh thức”. Tại sao phải canh thức? – Thưa, để đón biến cố quan trọng Đức Kitô đến …
“Anh em có biết rằng, đó là thái độ chờ đợi một người bạn, mong ngóng bạn đến và thấy họ tới chậm?
Anh em có biết rằng, đó là tình trạng phải sống trong tập thể mà mình không ưa, và lúc nào cũng mong ước cho thời gian mau qua, giờ mau điểm để anh em sớm có thể được tự do trở lại?
Anh em có biết rằng, đó là tình trạng như có một bạn thân ở xa, chờ đợi tin tức của anh ta, ngày ngày tự hỏi lúc này anh ta đang làm gì, có được mạnh khỏe không? … Canh thức trông đợi Đức Kitô, là một tình cảm giống như những tâm tình đó, theo mức độ những tình cảm ở đời này có thể tượng trưng cho những tình cảm thuộc cõi đời sau …”.
Vì anh em không biết ngày nào Chúa mình đến. Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, chắc ông ta phải canh thức … Cho nên anh em cũng vậy, anh em phải sẵn sàng: vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
Cha Duval đã chuyển dịch cách tuyệt diệu sự mong chờ trên trong bài ca của Ngài!
Chúa sẽ trở lại, Người đã hứa như thế. Bạn đừng mê ngủ trong đêm đó.
Trong tình âu yếm, tôi kêu lên Người: Lạy Thiên Chúa của tôi, điều đó sẽ xảy đến trong đêm nay sao?
Chúa sẽ lại đến, hãy đón đợi Người trong tâm hồn, đừng mơ tìm chút hạnh phúc nào không phải là Người!
Đức Giêsu “đến!”.
Và Người cảnh giác ta: Hãy canh thức! Bởi vì tôi đến, khi các bạn không nghĩ đến. Các bạn có thể bỏ lỡ “cuộc tới gặp”, cuộc hẹn hò không thấy trước, cuộc viếng thăm gây ngỡ ngàng này. Và để giúp ta coi chừng những an toàn giả tạo, Đức Giêsu đã phải dùng kiểu so sánh “kẻ trộm ban đêm”. Đó là tình trạng không an toàn cơ bản của thân phận con người.
Đức Giêsu “sẽ đến”… vào thời cánh chung trong ngời sáng của ngày cuối cùng.
Đức Giêsu “sẽ đến”… vào giờ chúng ta chết, đối mặt với giây phút đầu tiên khi ta lìa xác, “lúc chiếc màn phân cách ta với cuộc gặp gỡ bị xé toang”.
Nhưng… Đức Giêsu “đến”… mỗi ngày, nếu ta biết “canh thức”, không cần phải đợi đến ngày cuối cùng. Người vẫn ở đó, đằng sau bức màn. Người đến trong công việc, trong những giờ giải trí của tôi… Người đến qua người nào đó mà tôi tiếp gặp, qua cuốn sách tôi đọc, qua biến cố bất ngờ xảy đến cho tôi.
Cần âm thầm chân thành duyệt lại đời sống.
Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở trong nhà, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy thì thật là phúc cho ông ta.
Phải “canh thức”, rình rập những lần Đức Kitô đến, không phải là mơ mộng! Đó là làm việc bổn phận mỗi ngày, đó là tự coi mình như có trách nhiệm với kẻ khác, đó là cấp phát cho họ phần cơm bách đúng giờ đúng lúc, đó là yêu mến.
Điều đó đúng thực, đặc biệt đối với các người “lãnh đạo cộng đoàn” trong Giáo Hội, cũng như trong các tập thể khác. Nhưng ai chẳng là lãnh đạo một cộng đoàn? Gia đình, tổ, nhóm, lớp, văn phòng, xí nghiệp, nghiệp đoàn, câu lạc bộ, bạn đồng sự, khách hàng…
Ban phát cho họ đúng giờ đúng lúc, điều họ đang chờ đợi nơi tôi.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Phải tỉnh thức và sẵn sàng.
HOÀN CẢNH:
Sau những lời giảng về ngày cách chung và giờ chết của mỗi người xảy đến một cách bất ngờ (24,1-41), Chúa Giê-su dạy ta về sự tỉnh thức để chuẩn bị sẵn sàng.
Ý CHÍNH:
Bài Tin-Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giê Su kêu gọi mọi người phải tỉnh thức để chuẩn bị cho giờ Chúa đến với mỗi người, và chỉ vẽ cách thế phải tỉnh thức thế nào, Người đã trình bày dụ ngôn kẻ trộm và dụ ngôn người đầy tớ trung tín.
TÌM HIỂU:
42 “Vậy anh em hãy canh thức …”:
Sau khi nói về ngày cánh chung, cũng là giờ chết của mỗi người, Đức Giê Su khuyên dạy mọi người phải tỉnh thức, vì giờ Chúa đến cách bất ngờ.
43-44 “Anh em hãy biết điều này …”:
Đức Giê Su dựa vào dụ ngôn kẻ trộm để diễn tả việc Chúa đến cách bất ngờ và phải tỉnh thức thế nào.
Các Kitô hữu thời sơ khai thường ví ngày Chúa đến giống như kẻ trộm (1 Tx 5,2), và ở đây, Con Người (Chúa Giê-su) được ví chính là kẻ trộm đêm (Kitô hữu 3,3). Bản chất việc ăn trộm là phải nắm vững yếu tố bất ngờ, vì thế để tránh được trộm thì không bao giờ được ngủ mê. Cũng vậy giờ Chúa đến với mỗi người trong giờ chết cũng bất ngờ theo cách như kẻ trộm, vì thế mỗi người phải luôn luôn tỉnh thức nghĩa là phải luôn sống trong ơn nghĩa Chúa, để khi Chúa đến bất cứ lúc nào, cách nào cũng sẽ được Chúa đón tiếp.
45 “Vậy ai là người đầy tớ trung tín khôn ngoan …”:
Dụ ngôn này được dành cho các vị lãnh đạo dân Chúa… cái nguy hiểm ở đây là trong khi thi hành chức vụ được trao phó, các ngài có thể quên rằng mình chỉ là quản lý chứ không phải là chủ nhân, và nhất là quên rằng mình sẽ phải tính sổ khi Chúa đến!
Viên quản lý được Chúa ủy thác trách nhiệm chính thức sẽ có thể phản ứng theo hai cách thức:
46-47 “Phúc cho đầy tớ ấy …”:
Trong trường hợp đầu, người chủ đến bất ngờ và gặp thấy đầy tớ ấy đang hăng say tận tâm làm việc, đang tín trung với phận vụ được giao. Bấy giờ anh sẽ được ủy thác cho những trách nhiệm lớn lao hơn, nghĩa là được hưởng niềm hạnh phúc đời đời với Chúa.
48-51 “Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy …”:
Dụ ngôn nhấn mạnh đến trường hợp thứ hai. Ảo tưởng là ông chủ về trễ, người đầy tớ đã quên đi thân phận mình, bày biện tiệc tùng như ta đây thật sự là chủ nhà, đánh đập bè bạn như thể họ là tôi tớ riêng của mình. Khi chủ nhà về cách bất ngờ thấy thái độ bất trung như vậy, ông chủ sẽ loại hắn ra và bắt chung với số phận của những kẻ đạo đức giả, tức là những kẻ bị loại ra khỏi hạnh phúc của ông chủ.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. “Vậy anh em hãy tỉnh thức …”:
tỉnh thức là tư thế của một người có sẵn sự ứng phó với mọi biến cố xảy đến và biết làm chủ tình hình. Ở đây tỉnh thức là có sẵn đời sống trong ơn nghĩa Chúa, để khi giờ chết đến cách bất ngờ, có đủ điều kiện và bảo đảm được Chúa cho hưởng hạnh phúc đời đời.
Công việc tỉnh thức cho giờ chết:
- Luôn luôn thanh tẩy đời sống.
- Luôn luôn thánh hóa bản thân.
- Và chăm lo tăng gia những công việc lành phúc đức.
2. Dụ ngôn kẻ trộm nhắn nhủ cho chúng ta về yếu tố bất ngờ của giờ chết, giờ Chúa đến. Điều này nhắc nhủ cho chúng ta luôn luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng và tỉnh thức bằng cách:
- Trung thành sống trong ơn nghĩa Chúa: tránh mọi tội trọng, bớt dần những tội mọn và nỗ lực thánh hóa bản thân mỗi ngày.
- Tránh những đam mê thế gian, xác thịt và cám dỗ của ma quỷ.
- Luôn thể hiện niềm tin vào Chúa lúc thuận cũng như lúc nghịch; biết trông cậy và phó thác vào Chúa trong mọi sự; biết tỏ lòng mến Chúa qua những việc đạo đức phụng thờ Thiên-Chúa và qua đời sống bác ái phụng vụ.
3. Dụ ngôn người đầy tớ trung tín có ý nhắn nhủ những vị lãnh đạo dân Chúa, cũng như những người có trách nhiệm khác với bậc cha mẹ, thầy cô hay người lãnh đạo cộng đoàn: phải trung tín với sứ vụ của mình bằng cách:
- Chăm lo bổn phận của mình.
- Trong khi thi hành chức vụ được giao phó phải ý thức mình chỉ là quản lý chứ không phải chủ nhân, đồng thời phải nhớ rằng mình sẽ phải tính sổ khi Chúa đến.
- Tránh ảo tưởng là ông chủ về trễ, tức là giờ chết chưa đến, nên quên đi thân phận của mình để rồi vui thú với thế gian, hưởng thụ những khoái lạc bất chính và nhất là sao lãng việc dọn mình chết.
- Phải luôn dọn mình sẵn sàng để trình diện với Chúa. Muốn vậy nên nhắc nhủ mình mỗi ngày: nếu hôm nay Chúa gọi tôi: tôi đã sẵn sàng chưa, và có điều gì đang ngăn cản tôi về với Chúa!
4. Dụ ngôn người đầy tớ trung tín:
- Một đàng nhắn nhủ tôi luôn luôn phải trung tín trong việc bổn phận đối với Chúa, với tha nhân và với chính mình.
- Đàng khác cảnh giác tôi là điều luôn đe dọa tôi là quên đi thân phận tôi tớ của mình, thân phận huynh đệ với các tôi tớ khác để rồi sống như thể mình không phải trả lẽ gì với Thiên-Chúa! đang khi đó Chúa có thể sẽ đến với tôi bất cứ lúc nào và cách nào; Người sẽ cắt đứt mọi tương giao với những ai bất trung với Chúa và những ai bất trung sẽ phải lãnh án chung thân. Ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.